Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn vướng bận với ý nghĩ tới hôm nay sẽ ăn món gì, sẽ thưởng thức đồ uống nào và ở đâu… Nhưng có thứ thực sự cần thiết cho sự sống của bản thân mà không bao giờ chúng ta để ý tới.
Giả sử, bạn lạc vào một hoang đảo. Không thức ăn, bạn có thể cầm cự được đôi ba ngày cho tới khi kiếm được thứ gì có thể làm bạn đỡ đói. Nhưng nếu không có nước uống, bạn chỉ cầm cự được vài tiếng đồng hồ hoặc nửa ngày. Tuy nhiên, bạn thử nhịn thở mà xem, có cầm cự nổi vài phút không?
Điều đó chứng tỏ, không khí và oxy mới là thứ cần thiết hơn cả thức ăn và nước uống. Nhưng ta không hề chú ý tới điều thiết yếu này, bởi chẳng cần chú ý, ta cũng hít thở như thường. Điều mà ta không biết là, cũng giống như lựa chọn đồ ăn, thức uống lành mạnh, việc kiểm soát và chăm lo tới hơi thở chính là việc tránh được bệnh tật sau này và luôn có được nền tảng sức khỏe tuyệt vời.
Trong văn hóa yoga, chăm lo tới hơi thở là một sự thực hành tinh tế và tối quan trọng. Việc này có liên quan tới một thứ vi tế được gọi là ‘’Prana’’ (một từ tiếng Sanskrit), trong ngôn ngữ quốc tế được dịch ra là năng lượng sống. Khái niệm này thực ra còn vượt khỏi định nghĩa đó, và ta hiểu rằng ‘’Prana’’ là một dạng năng lượng phi vật chất hỗ trợ sự sống, kiểu như sinh khí.
Vì Prana được coi là khí nên nó cũng thường đi kèm với một từ khác là ‘’Vayu’’ cũng có nghĩa là khí. Những bài tập để thu nhận và kiểm soát sinh khí trong yoga phần lớn là các bài tập hít thở theo những quy tắc nhất định và được gọi là ‘’Pranayama’’. ‘’Prana’’ và sinh khí và ‘’Yama’’ nghĩa là cách thức để thu nhận và kiểm soát.
Trên cơ thể con người, Prana thể hiện theo nhiều dạng khác nhau, nhưng chủ yếu có 5 dạng chính: Prana Vayu, Samana Vayu, Apana Vayu, Upana Vayu và Vyana Vayu. Mỗi loại Vayu (khí) có những ảnh hưởng và chức năng khác nhau với cơ thể con người.