Trong Bhagavad Gita có đề cập tới 4 cách thức luyện tập Yoga hay còn gọi là 4 con đường Yoga, Đó là Karma Yoga, Bhakti Yoga, Kriya Yoga và Gnana Yoga.
Karma Yoga: là con đường của hành động. Một Karma Yogi sử dụng những hành động hàng ngày, những việc làm hàng ngày để rèn luyện, học cách làm việc hiệu quả, và hướng những việc làm của mình phục vụ cộng đồng chứ không chỉ riêng cho bản thân mình.
Karma Yoga là con đường dành cho những người năng động, muốn nhận được những kỹ năng cao trong cuộc sống, muốn được đi trên một con đường đầy hoa trái sinh động và thấy cuộc đời thật tươi đẹp và hạnh phúc. Nó rèn luyện cho Yogi thái độ và tinh thần đầy cống hiến, không bó buộc vào định kiến, giải phóng họ khỏi mọi ưu tư cá nhân. Một Karma Yogi thường được thấy qua việc phục vụ cộng đồng và làm thiện nguyện.
Bhakti Yoga: con đường của tình yêu, tình cảm, cảm xúc. Một Bhakti Yogi sử dụng những cảm xúc và tình cảm của mình để đạt tới trạng thái hạnh phúc và nhận thức về tạo hóa.
Một Bhakti Yogi nhờ tình cảm và cảm xúc mãnh liệt sẽ trở nên vị tha, tĩnh tại mà không hề sợ hãi, tận tâm mà không tham lam, trái tim và tấm lòng mở rộng và không còn hẹp hòi ích kỷ, nhận thức tỏ tường về con người và sinh thái cũng như bản chất của sự sống. Bhakti Yogi rèn luyện bằng những phương thức như japa (niệm mantra), satsang, hát (chanting), các nghi lễ…
Kriya Yoga: là con đường chuyển hóa năng lượng của tinh thần và thể chất thành năng lượng tâm linh. Một Kriya Yogi sử dụng việc tập luyện thể chất (các asanas), tinh thần (các pranayam, thiền định…) để chuyển hóa năng lượng ấy thành năng lượng điều khiển những hoạt động bên trong bản thân. Tới được những giới hạn, họ đạt được trạng thái siêu ý thức.
Với hiện trạng của xã hội ngày nay, Kriya Yoga được cho là con đường thích hợp nhất cho những yogi để thoát khỏi áp lực, bảo toàn sức khỏe và vươn tới trạng thái hợp nhất với tạo hóa.
Gnana Yoga: là con đường của trí tuệ và kiến thức, được coi là con đường khó khăn nhất trong yoga. Một Gnana Yogi nỗ lực học tập, tìm tòi hiểu biết qua mọi con đường kiến thức có thể, từ cổ xưa tới hiện đại. Họ không chỉ học về kinh sách, những văn tự cổ xưa để lại mà còn phải thông thạo những kỹ thuật hoặc công nghệ tiên tiến. Bạn không thể chỉ ngồi đọc sách cổ cả ngày mà không biết sử dụng một ứng dụng trên điện thoại để đặt hàng online hoặc nói chuyện với một người bạn ở đất nước xa xôi khác.
Điều dễ thấy ở một Gnana Yogi là có thể họ sẽ trở nên kiêu ngạo với những hiểu biết của bản thân, và sẽ biến thành một con người hoàn toàn sai lầm trên con đường này. Nhưng nếu anh ta có thể không bị ràng buộc bởi những kiến thức đã thu nạp được, anh ta sẽ tiến thẳng tới sự giác ngộ và nhận thức hoàn toàn về tạo hóa.
Tuy nhiên, mặt dù có 4 con đường, nhưng chúng không thể tách rời ra được. Điều đó đồng nghĩa với việc một yogi không tập luyện chỉ một con đường. Anh ta phải thực hành cả 4 con đường, nhưng anh ta sẽ thiên về con đường nào phù hợp với bản chất và thiên bẩm của bản thân, để đẩy nhanh hơn và hiệu quả hơn việc chuyển hóa năng lượng, nâng cao thể chất, ổn định tinh thần và luôn sáng suốt, tĩnh tại trong đời mình.